Chiều 15-11, với 96,99% phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Đánh giá về sự cần thiết của dự luật, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, nên nếu không đáp ứng được các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (trong danh sách Xám).
“Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính Việt Nam sẽ bị các nước tính phí cao hơn và phải chịu sự rà soát tăng cường, có thể làm giảm đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài” – cơ quan thẩm tra đánh giá.
Theo luật vừa được thông qua, đối tượng phải báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép hoạt động, các tổ chức cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; tổ chức cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài có giao dịch với tổ chức tài chính, cá nhân kinh doanh tài chính…
Tuy vậy, cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP) không nằm trong đối tượng bị áp dụng của luật này. Giải trình, tiếp thu về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khái niệm này chưa được phổ biến rộng rãi, còn định tính, nên cân nhắc mở rộng quy định đối với cá nhân trong nước.
Rà soát quy định của các nước về phòng chống rửa tiền cũng cho thấy, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều có quy định này. Trong khi việc bổ sung đối tượng này cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp, khả thi, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin giữ nguyên như dự thảo luật.
Với những ý kiến trước đó đặt ra về việc có thể phát sinh hoạt động rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, cơ quan giải trình tiếp thu cho hay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu để hoàn thiện thể chế quản lý hoạt động này, nên chưa đủ cơ sở để quy định trong luật.
Vì vậy để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh, dự thảo luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.
Cũng theo luật vừa được thông qua, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền bao gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền. Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả. Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.
Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.
Ngoài ra, luật cũng quy định tuân thủ quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo mật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, với quy định này không chỉ đối tượng báo cáo, các tổ chức khác hoặc bên thứ ba hoặc các bên liên quan khác, bao gồm cả cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước và bảo mật thông tin khách hàng, thông tin giao dịch.
Lo tội phạm rửa tiền qua tiền ảo: Cần tận dụng công nghệ để quản lý