Vợ chồng chị Thu Vân, quận Hoàng Mai, đăng bán căn chung cư từ đầu tháng 4 sau khi quyết định chuyển về quê. Căn hộ hai phòng ngủ chị mua 5 năm trước tại Khu đô thị Linh Đàm giá 1,6 tỷ đồng (khoảng 25 triệu mỗi m2). Với giá kỳ vọng 3,05 tỷ, gần gấp đôi lúc mua, chị Vân gửi thông tin căn nhà cho 4-5 môi giới.
Một tháng trôi qua, số người hỏi giảm dần. Tuần đầu đăng bán, vợ chồng chị tiếp gần 20 lượt khách xem nhà. Khách muốn giảm một, hai giá nhưng chị không đồng ý vì cho rằng “thời điểm này chung cư đang sốt, thị trường không có nhà để bán”.
Không chốt được giao dịch, chị Vân tự đăng bán trên group cư dân. Phần lớn môi giới hỏi thông tin và báo chị giảm 200-300 triệu mới tìm được người mua. Quyết định giảm 100 triệu, xuống còn 2,95 tỷ, song số người hỏi mua không cải thiện. Tuần gần nhất, chị chỉ đón 3 người đến xem và chưa chốt bán.
Tình trạng này khác hẳn khoảng hai tháng trước, khi chung cư “hở ra là hết hàng”. “Chồng tôi tiếc mãi vì không quyết bán sớm hơn một tháng, ai ngờ thị trường thay đổi chóng mặt”, người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ.
Tình cảnh như chị Vân không hiếm gặp. Anh Trung Đức, quận Hà Đông, cho biết căn hộ rộng 74 m2 mặt đường Tố Hữu chưa tìm được chủ mới sau ba tuần rao bán. Cách đây 3 năm, vợ chồng anh mua giá 1,7 tỷ đồng (khoảng 23 triệu mỗi m2), giờ rao 3,3 tỷ, tăng gần gấp đôi.
Nam kỹ sư xây dựng cho biết một căn cùng diện tích, tầng đã bán 3,4 tỷ đồng gần hai tháng trước. Do đó, mức anh đưa ra “rất thiện chí khi chung cư vẫn khan hiếm”.
Sau ba tuần, đổi sang môi giới thứ tư, căn hộ chưa bán được. Anh Đức sốt ruột vì kế hoạch chuyển nhà của gia đình bị chậm lại.
Một dãy chung cư đã hoạt động hơn 10 năm tại Tây Nam Linh Đàm. Ảnh: Ngọc Diễm
Lê Vương, một môi giới chung cư thứ cấp tại quận Nam Từ Liêm, cho biết nhu cầu hỏi mua có xu hướng chậm lại gần một tháng nay. Thời điểm sau Tết, có tuần anh dẫn hơn chục lượt khách đi xem nhà. Khách chốt ngay sau một, hai lần xem vì “sợ giá còn leo thang”.
Từ giữa tháng 4, nhiều người hỏi nhưng “nghe báo giá xong họ tắt máy, không liên hệ lại”. Môi giới này cho biết một số chủ nhà cần bán gấp thời điểm này cũng giảm giá kỳ vọng khoảng 100 triệu hoặc tặng nội thất, nhưng người mua chê đắt, muốn giảm thêm.
Giám đốc một sàn chung cư thứ cấp có trụ sở tại quận Hoàng Mai, cho biết giao dịch của đơn vị trong tháng 4 sụt gần một nửa so với thời điểm sau Tết.
Dữ liệu của kênh Batdongsan cũng cho thấy từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm chung cư Hà Nội giảm 40% so với đỉnh tháng 3. Tại một số dự án bàn giao lâu năm, giao dịch phát sinh trong tháng 4 giảm mạnh, bằng một nửa so với hai tháng trước đó.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ, cho biết đợt “sốt” chung cư tại Hà Nội vừa qua giống như “mưa dông mùa hè” diễn ra trong thời gian rất ngắn. Trong khi hầu hết phân khúc khó khăn, sản phẩm chung cư dễ dàng bị “đẩy giá” nhờ nhu cầu ở thực lớn, nguồn cung ít.
Chung cư cũ giảm nhiệt, theo CEO EZ Property, do tâm lý mua vì FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của người dân đã được trấn an sau một giai đoạn phân khúc này liên tục tăng giá. Người mua chuyển sang nghe ngóng, chờ thị trường “qua đỉnh”. Người bán cũng quan sát, điều chỉnh giá kỳ vọng. Theo ông Toản, phân khúc chung cư đang dần quay trở lại diễn biến ảm đạm chung của thị trường bất động sản năm nay.
Cùng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho biết tâm lý “sẵn sàng chốt cọc vào tiền ngay” giảm bởi người dân nhận ra giá nhiều dự án không đi đôi với chất lượng sản phẩm. Nhiều tháng qua, một số dự án bị đẩy giá vượt quá giá trị thực tế.
Chuyên gia khuyến nghị người mua cần cân nhắc kỹ hiện trạng, giá trị sử dụng để xem xét mức giá. Thay vì mua gấp khi thị trường phấn khích, người mua có thể chọn thuê chung cư nội đô hoặc mua nhà ở vùng ven với giá hợp lý hơn.
Bà Hằng cho biết tình trạng khát nguồn cung, nguyên nhân chính của đà tăng chung cư vừa qua, sẽ được cải thiện khi các luật sửa đổi (Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở) dự kiến có hiệu lực sớm hơn.
Dữ liệu của Savills cho thấy năm nay, có thêm 12.300 căn ra thị trường ở quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Đông Anh. Nguồn cung từ thị trường lân cận, như Hưng Yên, Bắc Ninh cũng góp phần giải cơn khát chung cư Hà Nội, với khoảng 203.000 căn mở bán hai năm tới.
Ngọc Diễm
- Ông Thích Minh Tuệ về thăm nhà sau 6 năm, trò chuyện với cha mẹ và chia sẻ dự định tu tập trong thời gian tới
- Cận cảnh nhà ga metro có mái che lớn nhất Việt Nam sắp về đích
- Có nên mua thêm đất vùng ven khi đã sở hữu ba bất động sản?
- Đặt tủ lạnh thế nào cho hợp phong thủy bạn nên biết
- 7 ý tưởng tuyệt vời để tiết kiệm không gian trong căn hộ nhỏ